Bảo hiểm ô tô là một sản phẩm ngày càng phổ biến và ít có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, nhiều chủ xe sang đang muốn có một sản phẩm bảo hiểm “đẳng cấp” hơn dành riêng cho họ với chi phí ưu đãi hơn. Liệu đây có phải là một yêu cầu phi thực tế?
Khi sở hữu những chiếc xe ô tô phổ thông, đặc biệt là ô tô cũ, một số chủ xe có thể tặc lưỡi từ chối mua bảo hiểm hay chỉ mua gói bảo hiểm rẻ nhất để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đối với những dòng xe sang như Mercedes-Benz hay BMW, các chủ xe lại đặc biệt chú ý đến quyền lợi bảo hiểm và thủ tục bồi thường, mặc dù vẫn quan tâm đến chi phí.
“Thuyền to, sóng lớn”
Bên cạnh cảm giác an toàn và thỏa mái khi sử dụng xe sang, có lẽ các chủ xe cũng dễ bị “đau tim” hơn vì những chi phí phải bỏ ra nếu xe gặp rủi ro khi lưu thông. Chẳng hạn, nếu chi phí thay một cái đèn pha của dòng xe phổ thông dao động trong khoảng 2-4 triệu đồng, thì giá cụm đèn pha xe của các dòng xe sang có thể lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều dòng xe cao cấp có động cơ nguyên khối và họng hút gió nằm sát mặt đất, giúp xe có thể nhanh chóng tăng tốc nhưng cũng khiến nước có thể lọt vào động cơ dễ dàng hơn và gây ra những thiệt hại thủy kích nặng nề hơn.
Ở những thành phố lớn, nơi có hoạt động mua bán phụ tùng ô tô sôi động ở chợ trời, như Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh thì việc bị mất cắp phụ tùng là một nỗi lo thường trực của các chủ xe sang.
Đó là chưa kể đến việc nếu không may gây ra tai nạn cho người khác thì chủ xe sang cũng có khả năng phải trả nhiều tiền bồi thường hơn. Vì thế, việc không mua bảo hiểm hoặc không quan tâm thỏa đáng đến phạm vi bảo hiểm có thể khiến các chủ xe sang nhiều phen phải xót xa tiếc của.
Thách thức bảo hiểm xe sang
Những hãng xe sang thường không có mạng lưới garage rộng khắp toàn quốc mà chỉ tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Ngay đến hãng xe có doanh số bán xe sang lớn nhất Việt Nam là Mercedes-Benz cũng chỉ có 12 xưởng dịch vụ đặt tại TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang. Trong khi đó, các hãng bảo hiểm thường chỉ cung cấp dịch vụ cứu hộ miễn phí trong phạm vi 70km nếu xe bị tai nạn.
Đáng chú ý là ngay cả công ty bảo hiểm hào phóng nhất hiện nay là bảo hiểm ô tô Liberty (Mỹ) cũng chỉ cứu hộ miễn phí trong phạm vi tối đa khoảng 200 km, theo hạn mức 4 triệu đồng/năm. Vì thế, việc cứu hộ và sửa chữa xe bị tai nạn ở những tỉnh/thành ngoài TP.HCM và Hà Nội cũng khiến nhiều chủ xe sang đặc biệt quan tâm.
Sở hữu xe đẳng cấp, các chủ xe sang thường có những yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ bảo hiểm, đặc biệt là thủ tục giải quyết bồi thường. Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm rất e ngại về chi phí bồi thường cao của dòng xe sang.
Một số hãng thậm chí còn từ chối bán bảo hiểm mất cắp bộ phận cho những dòng xe này, và nếu có bán thì họ cũng chỉ đồng ý bồi thường 1 vụ/năm với những yêu cầu khắt khe về thủ tục bồi thường; chẳng hạn như quy định khách hàng phải gửi xe ô tô ở nơi có người trông coi, có phiếu gửi xe … Do đó, không phải vô cớ mà chỉ có một số ít hãng bảo hiểm đang tham gia vào thị trường ngách này.
Khả năng nào cho bảo hiểm xe sang?
Một giải pháp có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên – từ khách hàng, hãng xe, đại lý bán xe, và công ty bảo hiểm là thiết kế một sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho dòng xe sang, đặc biệt là một sản phẩm mang tên hãng xe (branded car insurance product).
Dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu của khách hàng, hãng xe có thể yêu cầu công ty bảo hiểm cung cấp những quyền lợi và dịch vụ bảo hiểm phù hợp nhất cho khách hàng của mình. Về phía công ty bảo hiểm, nhờ có sự hỗ trợ từ hãng xe về chi phí phụ tùng và tiếp thị, họ có thể gia tăng quyền lợi cho khách hàng với mức phí thấp hơn.
Như vậy, khách hàng có thể hoàn toàn tự tin mua bảo hiểm “theo xe”. Đây là lý do một số hãng xe đã triển khai thành công các sản phẩm bảo hiểm mang tên mình thông qua việc hợp tác với các công ty bảo hiểm uy tín tại Anh, Mỹ, Brazil, Singapore, Ấn Độ … Ví dụ, Liberty Mutual Insurance đã hợp tác với tập đoàn Daimler trong việc triển khai sản phẩm First Class Insurance dành riêng cho xe Mercedes-Benz tại Mỹ từ năm 2010 đến nay. Liệu mối lương duyên này có được tiếp tục ở Việt Nam giữa Bảo hiểm Liberty và Mercedes-Benz Việt Nam? Chúng ta hãy cùng chờ xem!